Địa chỉ: Phương Đông - Uông Bí - Quảng Ninh
Điện thoại: 033.854497 Fax: 033.854302
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng, đứng chân tại Tiểu khu Liên Phương - Xã Phương Đông – Thành Phố Uông Bí.
Phía Bắc giáp núi Nóc, xa hơn về phía trong là danh sơn Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công sát Quốc lộ 18B dọc theo vòng cung Đông Triều. Phía Nam giáp Quốc lộ 18A, bên kia là thôn Bí Thượng - Xã Phương Đông, Ra ngoài một chút là xã Phương Nam, ranh giới phân định hai tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng là con sông Đá Bạc - Nối liền tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng là Quốc lộ 10. Phía Đông là một số thôn của xã Phương Đông, đi tiếp là phường Thanh Sơn, Yên Thanh, Cách trung tâm Thị xã Uông Bí 7 km. Cách thành phố Hạ Long, thủ phủ Tỉnh Quảng Ninh khoảng 40km. Cách biên giới Việt – Trung trên 200 km dọc theo Quốc lộ 18A. Phía Tây giáp xã Phạm Hồng Thái Đông, đi chừng 15km là Mỏ than Mạo Khê, 22km là huyện lỵ Đông Triều. Một vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” ở tất cả các thời dựng nước và giữ nước. Từ đây về Hà Nội theo Quốc lộ 18A qua Phả Lại về Bắc Ninh rẽ Quốc lộ 83 hoặc đến Sao Đỏ, huyện Chí Linh rẽ về Quốc Lộ 15 đều thuận tiện trên dưới 100km.
2. SỨ MỆNH VÀ PHÁT TRIỂN
Được thành lập sau hòa bình lập lại, cả nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội với vô vàn khó khăn chồng chất. Nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc xâm lược. Toàn bộ hạ tầng cơ sở như nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đường xá, cầu cống,… bị phá huỷ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân” các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ được khẩn trương phục hồi, hàng loạt trường đào tạo công nhân kỹ thuật được thành lập thay thế các trường bên cạnh xí nghiệp để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của các bộ ngành.
Trên cơ sở đó ngày 01 tháng 10 năm 1977, Bộ Điện và Than ban hành Quyết định số 1880/ĐT-TCCB3 về việc thành lập Trường đào tạo Công nhân kỹ thuật Cơ khí, vận hành xe máy thi công (gọi tắt là trường Công nhân kỹ thuật Cơ khí). Trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trường cạnh xí nghiệp: Xí nghiệp Cơ khí sửa chữa, Xí nghiệp vận tải và Xí nghiệp Thi công Cơ giới trực thuộc Công ty Xây dựng mỏ Than (nay là công ty Than Uông Bí). Do địa điểm nhà trường đang còn phân tán 3 nơi, nên thời kỳ này nhà trường hình thành 3 phân hiệu: Cơ quan hiệu bộ và phân hiệu Cơ khí ở thôn Thượng Thông, xã Hồng Thái, Huyện Đông Triều; Phân hiệu Vận tải ở thôn Tân Lập – Xã Phương Đông - Thị xã Uông Bí; Phân hiệu Cơ giới ở tiểu khu Liên Phương – Xã Phương Đông – Thị xã Uông Bí. Ngày đầu thành lập nhà trường có tổng số 77 CBGV-CNV, trong đó có 4 kỹ sư và 4 trung cấp; cơ sở vật chất bao gồm 6 gian nhà cấp 4 do xí nghiệp bàn giao lại và 5000m2 nhà tạm tranh tre, nứa lá đã quá niên hạn sử dụng; phương tiện, thiết bị dạy học có 5 xe tập lái do hãng Giải phóng của Trung Quốc sản xuất viện trợ nước ta trong cuộc kháng chiến, các điều kiện phục vụ dạy và học rất lạc hậu và thiếu thốn. Qui mô đào tạo của nhà trường giai đoạn này là 550 học sinh/năm, trong đó phân ra các nghề Cơ khí sửa chữa, Vận hành máy thi công, cơ khí chế tạo, lái xe ô tô, lái cẩu, bồi dưỡng cán bộ công nhân.
Ngày 03 tháng 4 năm 1978, Bộ điện và Than ban hành Quyết định số 662 ĐT-TCCB3 về việc đổi tên thành Trường Công nhân kỹ thuật Xây lắp thuộc Công ty Xây lắp Uông Bí. Với phương châm vừa đào tạo vừa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết phải xây dựng được một số nhà ở. Có giải quyết được vấn đề này mới nhanh chóng ổn định tổ chức, từng bước cải thiện đời sống thầy trò yên tâm xây dựng và khẩn trương đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cho các nhà máy, xí nghiệp trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước vừa bước qua 2 cuộc chiến tranh. Bằng nguồn vốn do Công ty Xây dựng mỏ than cung cấp và công sức đóng góp của thầy trò nhà trường đã xây dựng được 7 khu nhà cấp 4 có tổng diện tích trên 1338m2 gồm 4 nhà làm việc kiêm nhà ở cho số cán bộ, nhân viên xa gia đình, 2 nhà tập thể, 1 nhà ăn, 3 dãy ký túc xá khu B. Trong lúc thày và trò đang ra sức cùng nhau xây dựng nhà trường thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra năm 1979. Hưởng ứng lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, Phong trào tình nguyện ra bảo vệ biên giới diễn ra sôi nổi. Tại nhà trường đã có gần 100% cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên thanh niên viết đơn tình nguyện xung phong tòng quân bảo vệ biên cương tổ quốc. Vừa làm nhiệm vụ dạy học vừa tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc, Nhà trường đã hoàn thành chương trình đào tạo cho học sinh khóa I với 228 học sinh (gồm các nghề nguội, sửa chữa ô tô, tiện, hàn, lái xe ô tô) tốt nghiệp ra trường về công tác tại các xí nghiệp thuộc Công ty Xây dựng Mỏ than.
Hình ảnh của nhà trường những năm 1990
|
GV hướng dẫn đầu ca (năm đầu thập niên 80)
|
Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Năng lượng ban hành Quyết định số 799/NL/TCCB-LĐ về việc đổi tên trường thành Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ giới và Xây dựng trực thuộc Công ty than Uông Bí. Đồng thời Công ty Than Uông Bí giao cho nhà trường thành lập phòng KCS, sau đổi tên thành Trung Tâm KCS với hai chức năng thí nghiệm Vật liệu xây dựng và thử nghiệm chất lượng than cho toàn công ty (hiện nay là Phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng Las 29). Trong giai đoạn này Nhà nước có chủ trương xóa bỏ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, nhà trường đã vận dụng điều kiện thực tế và các nguồn lực của mình để tổ chức nhận thầu xây dựng các công trình tại địa phương tạo việc làm, cơ sở thực tập sản xuất cho thầy trò giúp nhà trường vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học.
Ngày 22 tháng 7 năm 1997, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 1096/QĐ-TCCB về đổi tên đơn vị thành Trường Đào tạo nghề Cơ giới và Xây dựng thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam (cho đến ngày 20-3-1999 về trực thuộc Bộ Công nghiệp). Thực hiện chủ trương đổi mới, đa dạng hóa loại hình đào tạo, các lớp lái xe hệ B được đào tạo thử nghiệm sau đó được phát triển mạnh tại Hồng Gai, Cẩm Phả. Mô hình này được các cấp, các ngành và địa phương, đánh giá cao đồng thời giảm bớt khó khăn cho nhà trường và người học về nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh phí cho con đi học dễ dàng hơn. Các nhà máy, xí nghiệp có nhu cầu đào tạo được tổ chức đào tạo tại chỗ cũng thuận lợi hơn bởi không bị thiếu hụt lao động. Đồng thời Nhà trường tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo, ngoài học sinh hệ chính qui mỗi năm đào tạo theo chỉ tiêu từ 400-500 học sinh, nhà trường còn đào tạo công nhân hệ B chủ yếu nghề lái xe ô tô mỗi năm từ 800 đến 1000 học sinh. Liên kết với một số địa phương, doanh nghiệp đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng bậc công nhân các nghề mỗi năm 200-300 người học.
Khởi công xây dựng nhà H1 – Giảng đường kiên cố đầu tiên của nhà trường
Ngày 02 tháng 11 năm 2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 122/2004/QĐ-BCN về việc thành lập Trường Trung học Công nghiệp và Xây dựng trên cơ sở Trường Đào tạo nghề Cơ giới và Xây dựng. Sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, của ngành công nghiệp nói chung và của Tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường. Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo đã được đầu tư như nhà học lý thuyết, xưởng thực hành, ô tô tập lái, máy xúc, máy gạt, máy hàn tự động TIG – MIC - MAG, thiết bị điện, điện tử, điện lạnh đã phát huy tác dụng đạt hiệu quả cao. Chất lượng đào tạo không ngừng nâng lên được thị trường chấp nhận; uy tín, vị thế của nhà trường được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới. Nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục tăng, thị trường đào tạo cho các trường dạy nghề ngày càng sôi động và bức thiết. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Quyền chủ động của nhà trường về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu đã đang được phát huy ngày càng hiệu quả. Trong tổng số 140 giáo viên kể cả giáo viên kiêm nhiệm và hợp đồng có 75% trình độ đại học, 2,8% trình độ cao đẳng, 2,9% trình độ trung cấp, 19,3% công nhân bậc cao.
Đ/c Bùi Xuân Khu - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trao Quyết định thành lập
Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng
Ngày 08 tháng 6 năm 2006, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành quyết định số 2919/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng trên cơ sở Trường Trung học Công nghiệp và Xây dựng. Đây là bước phát triển nhảy vọt của nhà trường, từ trường đào tạo nghề nhà trường đã được nâng cấp lên thành trường cao đẳng với chức năng đào tạo 3 cấp trình độ. Giai đoạn này nhà trường đào tào đa ngành, đa bậc học từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đăng chuyên nghiệp với lưu lượng HSSV thời điểm cao nhất hơn 6000. Đội ngũ giáo viên đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, nhà trường không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên. Cơ sở vật chất được tăng cường, đảm bảo có đủ phòng học, nhà xưởng và thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đáp ứng trình độ kỹ thuật công nghệ của thực tế sản xuất. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn nội dung đào tạo với sản xuất, uy tín nhà trường ngày càng được khẳng định.
Lễ khai giảng năm học 2012-2013
Trải qua 40 năm qua xây dựng và phát triển, nhà trường đã không ngừng phát triển về mọi mặt: Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng xu thế phát triển của nhà trường và xã hội, đời sống của CBGV, CNV ngày càng được nâng cao;…. Vị thế của nhà trường đã được khẳng định, liên kết đào tạo được mở rộng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Hiện tại, tổng số CBGV, CNV là 281 người, trong đó có 05 tiến sĩ, 04 NCS (trong đó có 01 NCS nước ngoài), 90 thạc sĩ, 124 đại học; số còn lại là cao đẳng và thợ bậc cao. Nhà trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đến nay đội ngũ CBGV đã cơ bản đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ giáo viên của trường cao đẳng. Đây là kết quả mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nhà trường. Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhà trường còn chú trọng đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, hàng năm luôn duy trì nề nếp hội giảng các cấp nên đã có nhiều giáo viên đạt thành tích cao tại Hội giảng giáo viên các cấp.
GV Nguyễn Thị Hồng Mến và Bùi Thị Mai Anh đạt giải Nhì tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi TCCN Toàn quốc năm 2015
|
Đại diện nhóm tác giả đạt giải Ba tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2016
|
Bằng sự nổ lực phấn đấu, sự kết hợp linh hoạt giữa thực tập với sản xuất nhà trường đã xây dựng được cơ ngơi bề thế khang trang như hiện nay, với trên 44.364m2 xây dựng kiên cố, hiện đại trong khuôn viên 12 ha của Trường. Các giảng đường, xưởng thực hành, nhà hiệu bộ, hội trường, nhà đa năng, thư viện, ký túc xá, nhà ăn tập thể, nhà khách, khu hoạt động thể thao,... Đường vào Trường và hệ thống đường nội bộ được trải nhựa, cùng với hệ thống nước sạch, trạm điện, hồ nước, cây xanh, các công trình hạ tầng hoàn chỉnh tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp vào bậc nhất trong khu vực.
Về ngành nghề đào tạo: thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay nhà trường được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động Giáo dục nghề nghiệp ở 3 cấp trình độ. Theo đó nhà trường được tổ chức đào tạo 45 nghề trình độ sơ cấp, 31 ngành nghề trình độ trung cấp, 26 ngành nghề trình độ cao đẳng thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện, động lực và vận hành thiết bị cơ giới, xây dựng, khai thác mỏ, kinh tế, công nghệ thông tin, hướng dẫn viên du lịch,… Nhà trường luôn coi trọng đổi mới mục tiêu đào tạo, nội dung và chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kết hợp với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động quản lý, phục vụ. Điểm nổi bật trong quá trình đào tạo của nhà trường là sự kết hợp giữa thực tập và sản xuất để HSSV có cơ hội nâng cao tay nghề và tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng. Đây là mô hình đào tạo khép kín của nhà trường, HSSV có nhiều thời gian thực tập hơn và chất lượng tay nghề được nâng cao hơn so với chỉ thực tập các bài tập mang tính giả định. Chính vì thế trong nhiều năm qua chất lượng tay nghề của HSSV nhà trường luôn dẫn dầu trong cuộc thi tay nghề tỉnh Quảng Ninh và đại diện đi thi cấp quốc gia.
Bà Đặng Thị Thanh Thủy trao cờ cho các đơn vị tại Thi tay nghề tỉnh Quảng Ninh năm 2016 (Trường đạt giải Nhất toàn đoàn)
|
Bà Đặng Thị Thanh Thủy trao giải cho các thí sinh đạt Giải Nhất tại Thi tay nghề tỉnh Quảng Ninh năm 2016 (Trường đạt 10/12 giải Nhất)
|
Đi đôi với nhiệm vụ đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng được Nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo, đầu tư. Hàng năm Trường thành lập các hội đồng thẩm định đề cương, hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm; tổ chức hội nghị tổng kết NCKH năm và xây dựng phương hướng nghiên cứu năm sau. Với hình thức vừa khuyến khích, vừa bắt buộc, lấy công trình NCKH để tính điểm thi đua và khen thưởng hàng năm, cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, trong những năm qua cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đã tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình NCKH cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường được ứng dụng vào thực tế sản xuất. Qua các hoạt động nghiên cứu khoa học này đã nâng cao năng lực nghiên cứu của giáo viên nhà trường đồng thời ứng dụng vào nghiên cứu thiết kế chế tạo các mô hình phục vụ giảng dạy rất hiệu quả và giảm được chi phí đầu tư mua sắm hàng năm.
Đội Robocon nhà trường tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam năm 2014
|
Đội Xe sinh thái nhà trường tham gia Cuộc thi Lái xe sinh thái, tiết kiệm nhiên liệu năm 2017
|
Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị trong Nhà trường luôn được quan tâm, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Trong nhiều năm, Đảng bộ Trường luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức đoàn thể hoạt động có nề nếp, hiệu quả, được quần chúng tin cậy và cấp trên đánh giá cao.
Trong 40 năm qua, Trường đã đào tạo trên 25.000 cử nhân cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật lành nghề bậc 3/7; 50.000 công nhân bậc 2/7, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bồi dưỡng thi chuyển ngạch, nâng bậc thợ trên 15.000 lao động thuộc các doanh nghiệp sản xuất trong Ngành Than. Đào tạo liên kết với các trường Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ- địa chất với hơn 2.000 sinh viên.
Có được thành quả này, các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức và HSSV Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, vượt lên chính mình. Sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám hiệu và của toàn thể cán bộ, giảng viên trong Trường đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách trong những ngày gian khó nhất. Được sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của các bộ ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự quan tâm của Bộ Công Thương, qua 40 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng đã thực sự trở thành một cơ sở đào tạo uy tín, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như trong khu vực.
Đ/c Nguyễn Trọng Thuận nguyên Hiệu trưởng nhà trường đón nhận cờ Đơn vị dẫn đầu thi đua
|
Đ/c Lương Văn Tiến nguyên Hiệu trưởng nhà trường đón nhận cờ Đơn vị dẫn đầu thi đua
|
Ghi nhận những thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Nhà trường nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ thưởng luân lưu của thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ Công thương, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh,... Đảng bộ Trường nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu; các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công, Hội Cựu chiến binh,…đều đạt danh hiệu Đơn vị có phong trào thi đua tốt, được tặng cờ, bằng khen các cấp từ Trung ương đến địa phương trong nhiều năm liên tục.
Lãnh đạo nhà trường đón nhận
Huân chương lao động hạng Ba (năm 1989)
|
Lãnh đạo nhà trường đón nhận
Huân chương LĐ hạng Nhất (năm 1996)
|
Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Công nghiệp & Xây dựng sẽ phấn đấu trở thành trường chất lượng cao đạt chuẩn khu vực, tăng nhanh quy mô đào tạo nhân lực có tay nghề cao và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và trên thế giới. Để thực hiện được tầm nhìn và sứ mạng trong thời gian tới nhà trường sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp: xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của người học gắn với nhu cầu của thị trường; bồi dưỡng giáo viên giảng dạy theo hướng tích hợp; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, sản xuất và giới thiệu việc làm cho người học; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường khả năng đào tạo và nghiên cứu khoa học, thành lập các Trung tâm trực thuộc Khoa nhằm tăng tính năng động cho các Khoa, nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất, liên hệ với các doanh nghiệp tìm thêm việc làm bổ sung nguồn thu nâng cao đời sống cho CBGV. Trước mắt nhà trường sẽ tập trung phát triển một số ngành nghề thế mạnh của mình đạt tiêu chuẩn nghề trọng điểm cấp quốc gia như nghề Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Hàn, Xây dựng.
Đ/c Đặng Thị Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH trao Giải Nhất toàn đoàn cho Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng
|
Đ/c Đặng Thị Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH trao giấy khen cho các GV đạt giải Nhất (Trường có 4/6 GV đạt giải Nhất)
|
Với truyền thống đoàn kết, tự lực-tự cường, tập thể CBGV Trường Cao Công nghiệp và Xây dựng tiếp tục chung tay góp sức, phát huy tối đa nội lực, nắm bắt thời cơ và vận hội mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn xứng đáng là trường trong tốp đầu của hệ thống các trường cao đẳng thuộc Bộ Công Thương và các trường cao đẳng trong cả nước.