Các đại biểu đến từ 12 nước cùng trao đổi kinh nghiệm về tài chính giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng. Ảnh: Lan Hương
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị Tài chính sáng tạo cho giáo dục: Ứng dụng cho châu Á diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4.
Ông Nhân cho biết, theo khảo sát tại các nước châu Á, mỗi gia đình chi trung bình 6% cho các dịch vụ xã hội, vì thế mức học phí mới không thể vượt quá con số này. Gia đình nào có khả năng thì tự chi trả, nếu không đủ khả năng thì chính phủ hỗ trợ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng “6% chỉ là khung, tùy địa phương có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện, vùng miền”.
Theo thống kê của ngành giáo dục thì người dân Việt Nam hiện chỉ đóng góp khoảng 25% chi phí giáo dục, phần còn lại do nhà nước chi trả.
Ngoài bậc tiểu học đang được miễn phí, bậc THCS và THPT vẫn được trợ cấp 50% từ ngân sách nhà nước. Với những gia đình khó khăn, HS được hỗ trợ tới 90% ở bậc THCS.
GS. Ka Ho Mok đến từ ĐH Hongkong lưu ý Việt Nam cũng như các nước châu Á khác rằng “bài học lịch sử” từ những cuộc khủng hoảng kinh tế trước kia cho thấy số trẻ em bỏ học sẽ tăng cao bởi vì khi không đủ tiền mua thức ăn hay dành cho các nhu cầu tối thiểu khác, điều đầu tiên mỗi gia đình nghĩ tới sẽ là “hy sinh” giáo dục. Trẻ em sẽ không được đến trường, thậm chí sẽ phải đi làm bất hợp pháp để phụ giúp gia đình.
“Đó là kinh nghiệm của các khủng hoảng trước và chắc chắn sẽ lặp lại ở lần này.” - GS Ka Ho Mok khẳng định.
Từ kinh nghiệm “vượt bão” của các quốc gia trong những lần khủng hoảng trước, GS Ka cho rằng phải có nhiều cách để hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là gia đình nghèo và cận nghèo, kể cả bậc trung lưu để duy trì học tập. Một trong những cách đó là trợ cấp tiền mặt trực tiếp để chi trả các khoản phí và thực hiện chương trình cho vay đối với HSSV.
GS. Wang Rong, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Quốc, ĐH Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại trong bối cảnh khủng hoảng mục tiêu của chính quyền các nước đều là tăng trưởng GDP nên có thể hy sinh dịch vụ công như giáo dục, y tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ không cắt giảm bất cứ khoản chi tiêu nào vào giáo dục và y tế vì đó là đầu tư cho con người và nguồn lực.”
(Theo VNN)