Học sinh trong một buổi học chống tham nhũng.
“Căng tin không người phục vụ” - bài học thực tế về sự trung thực
Nhìn bề ngoài, trường Trung học phổ thông công lập SMU 13 ở thủ đô Jakarta của Indonesia cũng giống như mọi trường học khác. Tuy nhiên, sự khác biệt ở là đây căng tin của trường không cần có người phục vụ và bán hàng. Mọi giao dịch tại căng tin chỉ dựa vào sự tự giác của những học sinh trong trường. Để mua hàng, khách hàng là các học sinh đút tiền vào một chiếc hộp mở, rồi viết danh sách những gì các em mua vào một mảnh giấy.
Đó là Dự án "Căng tin không người phục vụ", một trong những sáng kiến đang được ngành Giáo dục Indonesia triển khai áp dụng trong một số trường học của nước này. Với những bài học thực tế về sự trung thực, chương trình đẩy mạnh xây dựng đức tính thật thà cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước Indonesia. Tuy được triển khai chưa lâu, nhưng Dự án "Căng tin không người phục vụ" đã tỏ ra khá thành công. Tại những trường học triển khai dự án, tính trung thực ở các em học sinh đã được tăng lên đáng kể, rất ít khi xảy ra trường hợp gian dối. Người sáng lập ra dự án này, giáo viên La Biru, rất vui mừng trước kết quả thu được. Với đóng góp của mình trong công cuộc giáo dục chống tham nhũng, ông La Biru đã được trao giải thưởng vào năm ngoái.
Trung thực khi mua đồ và làm bài không cần giám thị
Tại trường Trung học Số 3, một trong những trường học triển khai mô hình giáo dục chống tham nhũng ở Jakarta, các em học sinh tỏ ra rất hào hứng với cửa hàng bán đồ dùng học tập được mở ra trong trường. Trong cửa hàng có mọi thứ mà học sinh cần - bút bi, bút chì và cả kẹo chocolate. Tại trường Trung học Số 3, trong lớp, các học sinh còn được nghe thầy cô giáo giảng những điều đơn giản về tầm quan trọng của lòng trung thực và sự minh bạch bằng các mô hình hiện đại và có tính tương tác cao. Sau khi hào hứng tham gia bài học lý thuyết, các học sinh có thể thực hành ở ngay tại trường bằng cách đi mua đồ trong "cửa hàng trung thực" của nhà trường, nơi các em được tự do hành xử trước những thứ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích.
Em Dika, năm nay 16 tuổi và là một trong những học sinh tham gia chương trình giáo dục chống tham nhũng của trường Trung học Số 3 cho biết, đa số học sinh ở trường học này đều rất thật thà. Theo Dika, sự trung thực của học sinh một phần quan trọng là nhờ vào các lớp học về chống tham nhũng. 'Em rất hổ thẹn khi Indonesia bị coi là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Em muốn thay đổi điều này' Dika nói.
Không chỉ có "cửa hàng trung thực", những học sinh tham gia chương trình giáo dục chống tham nhũng của trường Trung học Số 3 còn được làm bài thi mà không có giám thị - một phần của chương trình xây dựng đức tính thật thà cho các em.
Di sản từ lịch sử
Indonesia là một quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới. Sau khi Tổng thống Suharto lên nắm quyền lực vào năm 1966, chính quyền của ông đã tiến hành nhiều chính sách "bàn tay sắt" trong suốt hơn 3 thập kỷ sau đó để ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế với những quyết sách lớn về hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư. Kết quả là, Indonesia đã đạt được những thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế và giảm nghèo đói. Tuy nhiên, ông Suharto cũng chịu nhiều tai tiếng vì chính sách độc tài gia đình trị, và để cho nạn tham nhũng lan tràn, khiến Indonesia được coi là một trong những quốc gia có tệ nạn tham nhũng cao hàng đầu thế giới.
Sau khi Tổng thống Suharto buộc phải từ chức vào năm 1998, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia (KPK) đã được thành lập để đấu tranh với nạn tham nhũng từ cấp cao nhất trong các quan chức chính phủ và nghị sĩ quốc hội trở xuống. Kể từ khi Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono lên nắm quyền cuối năm 2004 đển nay, Chính phủ Indonesia đã mở chiến dịch chống tham nhũng được coi là quyết tâm nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cho đến nay, tệ nạn vốn đã "mọc rễ" nhiều năm trong lòng quốc gia có dân số và diện tích lớn nhất Đông Nam Á này vẫn còn hoành hành khá phổ biến.
Theo báo chí Indonesia, nạn "lại quả", hối lộ, đút lót... vẫn được coi là luật bất thành văn ở nhiều cơ quan hành chính Indonesia, từ các quan chức giao thông tới những nhân viên làm hộ chiếu hay chứng minh thư... Một cuộc khảo sát do Ủy ban Chống Tham nhũng Indonesia tiến hành trong năm 2008 cho biết: 60% số người Indonesia được hỏi nói trả thêm "phí ngoài luồng" cho "người nhà nước" là bình thường; 39% nói đưa thêm tiền sẽ có kết quả tốt hơn; 52% nói tiền hối lộ được trao sau một thỏa thuận ngầm giữa đôi bên; 28% nói họ đưa hối lộ vì bị "người nhà nước" đòi hỏi... Có thể nói, tham nhũng đã như một thứ "văn hóa" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Indonesia.
“Mặt trận” giáo dục trong cuộc chiến chống tham nhũng
Khánh thành một trường học giáo dục chống tham nhũng tại thủ đô Jakarta.
Trước tình hình trên, Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh những chương trình chống "Căn bệnh mãn tính" trên, như tiến hành cải tổ hệ thống hành pháp và thanh tra các hoạt động của nhiều các quan chức cấp cao. Bên cạnh đó, Indonesia cũng mở ra những "mặt trận" mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, trong đó có việc tạo ra sức "đề kháng" đối với tham nhũng cho thế hệ trẻ nước này bằng những chương trình giáo giục chống tham nhũng trong nhà trường thời gian gần đây. Các nhà giáo dục Indonesia đã đề ra và thực thi nhiều sáng kiến xuất phát từ yêu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng rộng lớn hơn ở nước này để củng cố những nguyên tắc đạo đức trong học sinh, sinh viên, và nâng cao nhận thức cho các em về tầm quan trọng của sự minh bạch.
Theo ông Hendarman Supandji, hiệu trưởng trường Pangieran Diponegoro, một trong những trường học theo mô hình chống tham nhũng tại thủ đô Jakarta, ngày nay tham nhũng đã trở thành một loại tội ác xuyên quốc gia, và đấu tranh chống tham nhũng cần phải kết hợp giữa trấn áp, ngăn chặn và giáo dục. Trường học chống tham nhũng là một thành phần mang tính giáo dục quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng của cả nước Indonesia nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước thói xấu này. Trường Pangieran Diponegoro, do ông đứng đầu, mang tên vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử chống ách đô hộ thực dân của Indonesia. Phát biểu nhân dịp khánh thành trường, Hiệu trưởng Hendarman Supandji nêu rõ mục đích thành lập trường là nhằm xây dựng một thế hệ trẻ có đức tính trung thực và ý thức bài trừ tham nhũng.
Tầm nhìn dài hạn để xây dựng con người
Cũng trong nỗ lực bài trừ "quốc nạn" tham nhũng, từ năm ngoái các sinh viên ở trường Đại học Gadjah Mada ở tỉnh Yogyakarta của Indonesia, đã bắt đầu mở thêm những chương trình hoạt động hội thảo ngoại khóa về giá trị của tính trung thực. Hanta Yuda, cựu Chủ tịch Ban Lãnh đạo sinh viên của trường Đại học Gadjah Mada, người khởi xướng chương trình này, cho biết, sau khi tham gia các lớp hội thảo, sinh viên trong trường được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trường học để phổ biến thông điệp chống tham nhũng ở cộng đồng. Theo anh Hanta, sinh viên sẽ hiểu được những ảnh hưởng nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng đối với đất nước, đặc biệt là đối với cuộc sống nghèo khó của nhiều người dân.
Mặc dù có thể phải mất một số năm nữa để những chương trình giáo dục chống tham nhũng tại Indonesia thu được kết quả, nhưng theo hiệu trưởng một trường Đại học ở Indonesia, những chương trình giáo dục chống tham nhũng trong các trường học sẽ giúp "tạo ra những nhà lãnh đạo trẻ chiếm được sự tin tưởng của nhân dân thay vì lạm dụng chức vụ của mình".
Với việc đưa các chương trình giáo giục chống tham nhũng vào nhà trường ở Indonesia hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cho rằng ngành Giáo dục Indonesia đang đi đúng hướng. Đây là biện pháp thể hiện tầm nhìn mang tính dài hạn của Indonesia trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời còn nằm trong chiến lược xây dựng con người để đáp ứng những yêu cầu đang đặt ra đối với Quốc gia vạn đảo này trong những năm tới. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, hầu hết người dân Indonesia tin tưởng rằng đất nước họ sẽ có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng.
(Theo Dân trí)