Những chú chim cánh cụt đầu tiên và những thất bại tuyệt vời
Don và Randy Pausch, người đồng sáng lập Trung tâm công nghệ giải trí (ETC), đã cùng nhau lập ra một giải thưởng mang tên “Chú chim cánh cụt đầu tiên” (The First Penguin Award). Don kể rằng, khi Randy lần đầu tiên nói với ông về giải thưởng này, ông đã không hiểu tại sao nó lại có tên như vậy. Đến khi hiểu ra, ông tin rằng đó là một ý tưởng rất thông minh.
Trong thế giới của chim cánh cụt, cả chim bố và chim mẹ đều phải chăm nom trứng. Khi trứng nở, chim mẹ sẽ ở lại trông chim non còn chim bố cùng đàn của mình đi hàng dặm đường để ra biển kiếm ăn. Sau một thời gian dài chăm sóc trứng, chúng đói lắm...
Đại dương là nơi nuôi sống chim cánh cụt, ở đó có cơ man nào là cá. Nhưng trong lòng đại dương cũng có rất nhiều loài ăn thịt chọn chim cánh cụt làm con mồi. Thế là đám chim cánh cụt nhìn nhau với câu hỏi: “Ai sẽ nhảy xuống nước trước?
|
|
GS. Don Marinelli. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Ai sẽ mạo hiểm?” Nếu con chim cánh cụt đầu tiên nhảy xuống và ngay lập tức bị ăn thịt, cả đàn sẽ biết là nguy hiểm đang chờ chúng. Nhưng nếu nó nhảy xuống và quay về với cái bùng tròn căng đầy cá, cả đàn sẽ nhảy xuống theo.
Dù con chim cánh cụt đầu tiên đó có quay trở về được hay không, thì hành động dũng cảm đó cũng góp phần dạy cho những con chim khác một bài học.
Vì thế, Don và Randy đã lập ra giải thưởng cho những sinh viên gặp thất bại trong dự án của họ. Trước đó, các sinh viên ấy đã từng nghĩ rằng họ có thể thành công theo một cách nào đó, rằng họ có thể làm ra một điều gì đó đáng kể. Song họ đã thất bại.
Nhưng đối với Don và Randy, đó là “những thất bại tuyệt vời” - những thất bại rất đáng có. Vì rằng họ đã vươn lên rất cao và chỉ trượt xuống một chút. Họ đã dạy những sinh viên khác rất nhiều bài học, rằng hãy kiên định với những ý tưởng của mình, hãy mạo hiểm và hãy chấp nhận thất bại.
Cuối năm học, những sinh viên này được mời lên sân khấu để nhận giải thưởng Chú chim cánh cụt đầu tiên và kể cho những sinh viên khác về dự án không thành công của họ. Với Don, những sinh viên ấy đã “thất bại một cách vinh quang”.
Chẳng phải đó cũng là cách chúng ta tôn vinh những nhà du hành vũ trụ đầu tiên - những người đã dũng cảm bay vào vũ trụ khi nơi đó còn là một ẩn số lớn và nhiều người đã không trở về. Nhưng nếu họ không thử, nếu họ không bước chân vào tàu vũ trụ và cùng nó phóng lên khoảng không bao la và xa lạ, loài người sẽ không bao giờ hiểu được những điều bên ngoài trái đất này.
Ơn trời, anh đã không nghe lời tôi!
Những ý tưởng mạo hiểm đều có thể mang trong nó những yếu tố điên rồ. Nhưng trong thời đại web 2.0 này, điên rồ đôi khi lại đồng nghĩa với thành công. Điều quan trọng là hãy dũng cảm đem ý tưởng của mình ra thử nghiệm.
Don luôn nói với các sinh viên của mình – những người đang nuôi tham vọng thành danh trong lĩnh vực công nghệ giải trí - rằng: Hãy đưa ý tưởng của các bạn lên mạng, công chúng sẽ cho bạn biết ý tưởng đó hay hay dở.
Ví dụ, bạn tạo ra một trò chơi, đưa nó lên mạng và yêu cầu người dùng mỗi lần tải về phải trả bạn 1 đôla. Nếu trò chơi đó hay, các công dân mạng thích nó và có 1 triệu người tải nó về, mỗi người trả bạn 1 đôla, bạn sẽ trở thành triệu phú. Nếu trò chơi đó chán, không ai thích nó, không ai tải về, bạn sẽ không có đồng nào. Đó là kết quả của sự dân chủ hóa mạnh mẽ mà công nghệ thông tin hiện đại mang lại cho chúng ta.
Don tin vào điều đó bởi ông đã làm trong ngành công nghệ giải trí lâu năm. Ông đã từng luôn tỏ ra khôn ngoan hơn mọi người, nhưng giờ đây ông thừa nhận: tôi đã già rồi và và sẵn sàng nói “tôi không biết”.
“Khi sinh viên trình bày với tôi dự án của họ, có những ý tưởng mà tôi không hiểu gì, không có ấn tượng gì. Nhưng biết đâu dự án đó lại hay thì sao? Biết đâu đó lại là một ý tưởng đột phá, cách mạng thì sao? Tôi không lấy những tiêu chuẩn của mình ra phán xét nữa, vì thế giới công nghệ đã vượt xa tôi rồi”, nhà cách mạng công nghệ giải trí thẳng thắn thừa nhận.
Ông kể, có lần một sinh viên trình bày một ý tưởng trò chơi. Bản thân ông thấy trò chơi này thật ngớ ngẩn và ông không hiểu một chút gì. Nhưng khi sinh viên ấy đưa trò chơi đó lên mạng, thật không ngờ, người dùng lại thích trò chơi đó. Ông đã nói với sinh viên ấy: "Ơn trời cậu đã không nghe lời tôi và giờ cậu đã thành công!”.
Giao tiếp bằng ngôn ngữ chung
Don khuyến khích các sinh viên của mình mạo hiểm và không ngại nói ra các ý tưởng. Nhưng ở ETC, ông đang gặp một vấn đề khá đau đầu: Ông có những sinh viên người châu Á rất thông minh và họ làm ra những sản phẩm tuyệt vời, nhưng họ lại rất ít nói và chẳng bao giờ phát biểu.
Trong khi đó ở Mỹ, văn hoá giáo dục luôn là “thách thức”, thậm chí thách thức cả với giáo viên. Ở Mỹ, ai cũng nói. Khi họp nhóm, sinh viên Mỹ nói liên hồi rằng “chúng ta có thể thử cái này”, “tôi có ý tưởng kia”… nhưng các sinh viên châu Á chỉ ngồi nghe.
Một số sinh viên châu Á cho biết, sẽ làm một bộ phim có tên “Sự khác biệt văn hoá” để dạy cho các sinh viên Mỹ hiểu về văn hoá châu Á. Với động thái này, các sinh viên châu Á ám chỉ với người Mỹ rằng, dù họ không nói gì, họ chỉ nghe thôi, nhưng đầu óc họ thực sự đang bùng nổ trong rất nhiều suy nghĩ. Sở dĩ họ đã không xen ngang chỉ vì muốn giữ phép lịch sự. Nhưng sinh viên Mỹ lại hỏi: “Tại sao bạn không ngắt lời?”
Don hiểu rằng người châu Á không nói là vì lịch sự chứ không phải là họ không biết gì. Người Mỹ lúc nào cũng nói cũng không phải là hay. Đó xét cho cùng là sự khác biệt văn hoá mà thôi.
Nhưng Don cũng lo ngại điều này sẽ dẫn đến sự cô lập. Các sinh viên châu Á ở ETC đôi khi tỏ ra quá tự ti, mặc dù khi bắt tay vào việc họ làm rất giỏi. Chính vì vậy, Don luôn mong muốn các sinh viên phương Tây và sinh viên châu Á làm việc cùng nhau nhiều hơn. Chỉ bằng cách này họ mới phát huy sức sáng tạo của cả hai. Họ sẽ hợp tác, chia sẻ ý tưởng và giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ chung: tiếng Anh và ngôn ngữ số.
(Theo VNN)