Nhằm khẳng định vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, xã hội về vị trí vai trò của kỹ năng lao động; tạo sân chơi nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, các cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông;
Tuyên truyền sâu rộng về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam - 4/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động cuộc thi viết với chủ để "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam".
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa, một cuộc thi đầu tiên về lĩnh vực mà xã hội chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
"Hội Nhà báo hàng năm được giao nhiệm vụ tổ chức các giải báo chí quan trọng, số lượng lên đến 15 cuộc thi. Thế nhưng, đây là cuộc thi mới nhất mà Hội Nhà báo tham gia. Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, nhận thức về kỹ năng lao động và kỹ năng nghề nghiệp của cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Chúng ta bị hút vào việc đào tạo bằng cấp quá nhiều, nếu chỉ quan tâm vào việc đào tạo để lấy bằng cấp thì lấy đâu ra người lao động trực tiếp", ông Lợi chia sẻ.
Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc phát triển nguồn lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội. Càng có nhiều lao động có kỹ năng sẽ càng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới giúp gia tăng năng suất lao động.
Ngày nay, kỹ năng nghề/ kỹ năng lao động được coi là một đơn vị tiền tệ mới trên thị trường. Đây là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của mỗi một doanh nghiệp, mỗi một quốc gia. Vậy chúng ta đã xác định, tôn vinh mọi điển hình lao động thực sự tốt hay chưa? Câu trả lời là chưa.
Chúng tôi mong thông qua cuộc thi chúng ta sẽ lan tỏa được giá trị của người lao động để góp phần vào phát triển nguồn lao động chuẩn hóa, góp phần vào việc gia tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới".
Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH.
Nội dung tác phẩm dự thi
Các tác phẩm tham dự cuộc thi cần phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả về nội dung: Vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội; Vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; Vai trò của kỹ năng lao động trong hội nhập quốc tế; Vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Vai trò của kỹ năng lao động trong việc tiếp cận với thay đổi của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Đào tạo kỹ năng lao động trong nhà trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp; Cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động của các quốc gia; Đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động cho Việt Nam;
Các cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất có kỹ năng nghề nghiệp cao; Tôn vinh người lao động có kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp cao trong đời sống, lao động.
Về hình thức tác phẩm tham dự
Loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.
Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài ra, còn một số vấn đề cụ thể cần lưu ý.
Một số vấn đề cần lưu ý:
- Tác phẩm báo in, báo điện tử: Mỗi tác phẩm viết không quá 2.000 từ được đánh máy và in trên khổ giấy A4, ghi rõ tên tác giả, nhóm tác giả, địa chỉ email và điện thoại liên hệ;
- Tác phẩm phát thanh phải ghi lên đĩa CD/USB, mỗi đĩa CD/USB ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng, địa chỉ Email và điện thoại liên hệ; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông;
- Tác phẩm truyền hình phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD/USB, mỗi đĩa DVD/USB chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng, địa chỉ email và điện thoại liên hệ; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông;
- Thời lượng các tác phẩm phát thanh và truyền hình, tác phẩm dài nhất không quá 15 phút; phim tài liệu không quá 30 phút;
- Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau;
- Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh);
- Tác phẩm dự cuộc thi không trả lại tác giả; Ban tổ chức Cuộc thi Viết về Kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam" (gọi tắt là BTC cuộc thi) được quyền sử dụng tác phẩm tham gia dự thi tác phẩm đạt giải để tuyên truyền.
Về điều kiện tham dự cuộc thi
Các bài viết tham dự cuộc thi viết phải theo đúng chủ đề. Khuyến khích các bài viết được đăng tải, phát sóng trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/8/2021 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí. Trường hợp các bài viết đã được đăng tải, phát sóng trên các báo, đài cần ghi rõ thời gian phát sóng, đường link kèm theo, bản photocopy bài viết trên báo;
Những tác phẩm đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền tham dự, nhưng cần ghi rõ mức giải và đơn vị đã tổ chức cuộc thi;
Tác phẩm dự giải phải là tác phẩm sáng tác lần đầu, không phải là phiên bản của báo in;
Không xem xét tác phẩm dự giải của tác giả vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác.
Đối tượng tham dự giải
Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm đến chủ đề cuộc thi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài tham dự cuộc thi;
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 07 người.
Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên lựa chọn tác phẩm gửi dự cuộc thi.
Về thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm tham dự cuộc thi:
Thời gian nhận tác phẩm: từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/8/2021 (theo dấu bưu điện).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; địa chỉ: 59 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội; điện thoại: 024.38.246.530 - 024.3935.1071 - 097.262.8386
- Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Minori, 67A Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 0243.9740333 (số máy lẻ: 602).
(Ngoài phong bì thư ghi rõ: Dự thi Cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam").
Thời gian trao giải: Đầu tháng 10/2021 (dịp kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10). Thời gian, địa điểm trao giải cụ thể BTC sẽ công bố sau.
Giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí, tổng số giải thưởng bao gồm:
- 04 giải A, mỗi giải 20 triệu đồng;
- 04 giải B, mỗi giải 15 triệu đồng;
- 08 giải C, mỗi giải 10 triệu đồng;
- 12 giải khuyến khích, mỗi giải 05 triệu đồng.
Ngoài ra, BTC cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng giám khảo.
Nguồn: //gdnn.gov.vn/