Ngày 05/02/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức họp thảo luận về nhiệm vụ, kế hoạch triển khai năm 2021 bằng hình thức trực tuyến.
Tại điểm cầu tập trung, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì cuộc họp, tham dự có các Phó Tổng cục trưởng Đỗ Năng Khánh, Nguyễn Thị Việt Hương, Phạm Vũ Quốc Bình. Lãnh đạo các Vụ đơn vị thuộc Tổng cục tham dự họp qua hình thức trực tuyến.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chỉ đạo tại cuộc họp giao ban
Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng, tác động tiêu cực kéo dài.
Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, xã hội số, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế; Tổng cục GDNN xác định phương châm hành động của năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển" và yêu cầu toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về GDNN năm 2021, tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành trong năm 2021, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội, trong đó chú trọng các nhiệm vụ sau:
Một là, chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn hệ thống GDNN về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh; sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.
Hai là, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN; ưu tiên xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Bốn là, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. Các tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong GDNN. Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao.
Sáu là, nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.
Bảy là, tổ chức triển khai thực hiện tốt các sự kiện trong năm như: Hội giảng nhà giáo GDNN; Lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, tiêu biểu; khởi nghiệp. Tổ chức thi kỹ năng nghề quốc gia phải gắn với ngày kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 để tạo thành chuỗi hoạt động, lan tỏa giá trị của kỹ năng nghề nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Tám là, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề theo chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ngay sau khi kỳ nghỉ Tết, các đơn vị tập trung vào công việc, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021.
Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và nhân danh cá nhân, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng gửi đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng gia đình lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất, đón Tết Nguyên đán 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Theo: VPTCGDNN