Giọt nước mắt người mẹ
Giải nhất được trao cho tác phẩm "Cú bẻ lái ngoạn mục" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Phương (Tiền Giang) viết về nhân vật là chính con trai của mình, bạn Nguyễn Phương Toàn.
Toàn là học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Tiền Giang, học chuyên hóa 3 năm, từng đoạt nhiều giải thưởng cấp thành, cấp tỉnh. Bà hi vọng con sẽ trở thành bác sĩ, nhưng rồi con lại trái lời chọn theo nghề bếp.
Một ngày, Toàn rời nhà lên TP.HCM với đôi bàn tay trắng và để lại một bức thư, trong đó có đoạn: "Có lẽ mẹ là người đầu tiên nhen nhóm trong con ngọn lửa đam mê nghề bếp. Hãy cho phép con chọn nghề bếp mẹ nhé! Thời gian sẽ chứng minh việc chọn nghề của con là không sai".
Trải qua nhiều khó khăn, Toàn dần trưởng thành trong nghề và đoạt được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi nấu ăn. Toàn cũng đại diện cho Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN và hiện có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường nhà hàng, khách sạn lớn trên thế giới.
Bà Phương xúc động khi nhắc lại chuyện cũ - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Con tôi không sai, mà chính tôi đã sai. Tôi cảm ơn con đã dám khát khao, dám chiến đấu, dám đương đầu sống hết mình vì đam mê. Con người vốn không được lựa chọn số phận, nhưng có thể thay đổi nó bằng chính tính cách và sự lựa chọn trong cuộc sống của mình. 'Học giỏi chưa chắc thành công, nhưng chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công' - đó là điều tôi thấm thía nhất", bà Phương viết trong bài dự thi.
Mỗi bậc học có sứ mệnh riêng
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nói nhiều năm qua báo Tuổi Trẻ cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động, sân chơi cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đồng hành, cổ vũ bạn trẻ chọn học nghề. Một trong những điểm nhấn của hoạt động đó là cuộc thi viết Tôi chọn nghề.
"Đọc kỹ 300 bài dự thi gởi về đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Ở đó có suy nghĩ, trăn trở đến day dứt của người mẹ muốn con theo học bác sĩ nhưng con lại quyết tâm theo học nghề bếp. Hay có những bạn đã trúng tuyển vào đại học với số điểm rất cao, đã học một năm, hai năm nhưng lại nhận ra mình thích làm hướng dẫn viên du lịch. Vượt qua nhiều rào cản từ gia đình, các bạn bắt đầu lại ở trường nghề..." - ông Chữ nói.
Chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn các tác giả. Bởi những câu chuyện giàu cảm xúc đó là chất liệu để chúng tôi làm sinh động hơn những trang báo của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin được cảm ơn lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã luôn đồng hành, hỗ trợ với báo Tuổi Trẻ trong các chương trình truyền thông về giáo dục nghề nghiệp
Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - nhấn mạnh mỗi một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân đều có sứ mệnh riêng. "Riêng giáo dục nghề nghiệp có sứ mệnh đào tạo ra lực lượng lao động trực tiếp tham gia thị trường lao động, lực lượng mà ở đó tạo ra năng suất, tạo ra giá trị thực tế. Do đó, vai trò của giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng" - ông Dũng nói.
Ông Trương Anh Dũng cho rằng việc tập trung phát triển kỹ năng nghề có thể góp phần vào tăng GDP của mỗi quốc gia 0,5-2%. Sự thiếu hụt lao động kỹ năng trên toàn cầu làm mất đi mỗi năm khoảng 6.000 tỉ USD, một con số khủng khiếp. Nhiều báo cáo quốc tế cũng đề cập thiếu hụt kỹ năng nghề ở một số quốc gia sẽ ngày càng trầm trọng.
Trong thời gian tới tổng cục sẽ xây dựng một không gian giáo dục nghề nghiệp và hướng tới một hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, việc tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp sẽ được đẩy mạnh thêm nữa…
TS Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Ông Trương Anh Dũng tại buổi trao giải - Ảnh: DUYÊN PHAN
Giải nhất 30 triệu đồng
Giải thưởng cá nhân cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" lần II trao cho:
- Giải nhất: Tác phẩm "Cú bẻ lái ngoạn mục" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Phương (Tiền Giang) viết về nhân vật Nguyễn Phương Toàn.
- Giải nhì: Tác phẩm "Nghị lực nơi đất khách" của tác giả Đoàn Thị Ngọc Anh (Hải Phòng)
- Giải ba: Tác phẩm "Không phải đại học mới giúp ta thành công" của tác giả Lê Thái Anh Thư (Đồng Tháp)
- Giải khuyến khích: tác phẩm "Đậu đại học vẫn chọn trường nghề" của tác giả Tạ Ngọc Diệp (Gia Lai), tác phẩm "Hãy cứ khát khao" của tác giả Lê Đăng Tú (Phú Yên), tác phẩm "Tôi đã sai lầm" của tác giả Đặng Đông Hải Duy (Cần Thơ).
Giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và khuyến khích 5 triệu đồng.
Các giải thưởng tập thể được trao cho các đơn vị: Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên), Trường CĐ Du lịch Hải Phòng, Trường trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Trường trung cấp Y tế Bắc Giang, Trường CĐ Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Ninh, Trường CĐ Nông lâm Bắc Giang, Trường CĐ Y dược Phú Thọ.
"Gởi lời xin lỗi đến thầy cô trường nghề"
Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương và con trai Nguyễn Phương Toàn tại lễ trao giải - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ lúc sinh con và nuôi con tôi luôn nghĩ rằng khi đến tuổi 18 con tôi sẽ bước vào giảng đường của trường đại học. Tôi rất xem trọng tấm bằng đại học, đó là kim chỉ nam, là động lực giúp tôi vượt mọi khó khăn để nuôi con khôn lớn. Tôi luôn hi vọng con mình sẽ viết tiếp ước mơ dang dở của tôi. Tôi nghĩ rằng ngày cháu tốt nghiệp đại học là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.
Nhưng không! Sau khi tốt nghiệp THPT cháu nói với tôi: "Mẹ ơi! Con không học đại học. Mẹ cho con chọn nghề bếp mẹ nhé!". Lúc đó cả bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi, bao nhiêu hi vọng dường như tan biến. Tôi không sao chấp nhận sự thật này. Vì trước đây tôi có cái nhìn không thiện cảm về trường nghề. Lúc đó tôi nghĩ bằng mọi giá không thể để cháu đi sai đường. Trước sự thúc ép của tôi là phải học đại học, cháu đã rời nhà lên TP.HCM bắt đầu cuộc sống tự lập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành đầu bếp.
Đến năm 2016, cháu theo học tại Trường Saigon Tourist. Dưới sự dìu dắt dạy dỗ tận tình của thầy cô, cháu may mắn đoạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề trẻ cấp thành phố, cấp quốc gia và tiến xa hơn là cuộc thi Tay nghề trẻ Đông Nam Á năm 2018. Trở về từ ASEAN Skills 2018, mặc dù chưa giành huy chương nhưng con tôi có nhiều cơ hội việc làm tốt.
Silverland rồi Diplomat đã mở ra cho con tôi nhiều cơ hội để trải nghiệm, để sáng tạo, để là chính mình. Và sắp tới đây con tôi được vào làm việc tại một trong những du thuyền lớn nhất của Mỹ với mức lương khá cao. Đó là điều tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Hôm nay, trong cuộc hội thảo này, tôi xin gửi đến tất cả quý thầy cô trường nghề một lời xin lỗi vì trước đây tôi có cái nhìn không thiện cảm về trường nghề...
Tôi hi vọng xã hội, các bậc phụ huynh có cái nhìn thay đổi về trường nghề. Nhờ có trường nghề mà xã hội có những người thợ giỏi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Tôi mong các bậc làm cha làm mẹ hãy để cho con cái được sống với khát vọng của tuổi trẻ. Đừng giống như tôi suýt chút nữa đã "bóp nát" đam mê của con mình. Hơn tất cả thông điệp, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đó là: "Học giỏi chưa chắc thành công, nhưng chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công". Bởi vì từ ngàn xưa ông cha ta có câu: "Nhất nghệ tinh - nhất thân vinh".
(Trích phát biểu của bà Nguyễn Thị Mỹ Phương)
Theo tuoitre.vn