Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh chủ trì điều hành Hội nghị trực tuyến
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết trong thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội, toàn thệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tập trung cao độ cùng với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID 19. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa có trường hợp nào bị nhiễm COVID-19. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp về công tác phòng chống dịch cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đào tạo, tuyển sinh trực tuyến qua Ứng dụng Chọn nghề.
Trong đó có Công văn số 1301/LĐTBXH-TCGDNN ngày 14/04/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiêp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình bệnh dịch bệnh COVID-19, nghiên cứu để giảm bớt các nội dung trong chương trình đào tạo nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo. Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao các cơ quan báo chí thời gian qua đã đồng hành cùng với giáo dục nghề nghiệp trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, mong muốn các đại biểu tham dự cho nhiều ý kiến để đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình bày những nét chính về kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Trong đó, năm nay, truyền thông giáo dục nghề nghiệp tiếp tục làm nổi bật các thông điệp: Giáo dục nghề nghiệp thực học, thực hành – Vững khởi nghiệp, sáng tương lai; Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp. Với mục tiêu nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp và thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp đối với giáo dục nghề nghiệp, truyền thông giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung hướng tới đối tượng người học tiềm năng, bao gồm: học sinh THCS, học sinh THPT và gia đình, lao động nông thôn, người lao động bị mất việc cần đào tạo lại.
Bên cạnh đó, truyền thông giáo dục nghề nghiệp tập trung mạnh mẽ tới vùng sâu vùng xa; truyền thông về hình ảnh người công nhân thời cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó làm nổi bật vai trò của người công nhân trong hoạt động sản xuất, có thu nhập, đảm bảo được đời sống của bản thân, gia đình qua đó thấy được vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tiếp tục đa dạng hóa các phương thức truyền thông giáo dục nghề nghiệp như: Qua cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương; mạng viễn thông và Internet; qua ấn phẩm; tổ chức Hội nghị, hội thảo, cuộc thi tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các tổ chức quốc tế,...
Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng tham gia điều hành Hội nghị trực tuyến
Các đại biểu là phóng viên cơ quan thông tấn báo chí bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đề xuất nhiều nội dung phối hợp truyền thông giáo dục nghề nghiệp: Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với cơ quan thông tấn báo chí là rất chặt chẽ; cần tăng cường các chuyến công tác thực tế để tìm hiểu về công tác tuyển sinh và phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương; Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, truyền thông giáo dục nghề nghiệp cũng cần thay đổi để thích ứng theo hướng tăng cường tổ chức các cuộc họp trực tuyến giữa các phóng viên báo chí với Tổng cục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để trao đổi thông tin lấy tư liệu để truyền thông; công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới tiến hành ra sao cho hiệu quả; công tác triển khai đào tạo mô hình 9+ khi Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực được triển khai nhân rộng như thế nào; giải pháp nào nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương; công tác khởi nghiệp cho học sin, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Công tác tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia,…
Đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết công tác tuyển sinh, đào tạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh COVI-19, các trường phải tạm dừng công tác đào tạo phòng chống dịch bệnh, các doạnh nghiệp ngừng hoạt động không thể tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh khó khăn mới thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin triển khai đào tạo trực tuyến ở một số môn học trong chương trình đào tạo. Ngay sau khi dịch bệnh kết thúc, các trường sẽ tập trung đào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh và hướng nghiệp.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá cao các ý kiến tại Hội nghị của lãnh đạo Tổng cục, đại điện các Vụ, đơn vị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển sinh năm nay. Sở cũng xây dựng một kế hoạch truyền thông nhằm thúc đẩy tuyển sinh trong năm 2020. Về công tác phòng chống dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Công tác đào tạo trực tuyến cơ bản vẫn là mới đối với người học, giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên gặp những khó khăn khi triển khai thực hiện. Hà Nội đang nỗ lực để đảm bảo kế hoạch cũng như chất lượng công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng trong năm 2019, Tổng cục đã triển khai tốt công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp, hình thành được mạng lưới truyền thông tại khắp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đội ngũ công tác viên truyền thông tại các cở sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó góp phần đạt vượt mục tiêu kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2019. Trong năm 2020, Tổng cục đã ban hành kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên do bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc triển khai kế hoạch này có nhiều hạn chế. Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định, cần đẩy mạnh công tác truyền thông và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh và đào tạo.
Về công tác quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới cần phải rà soát lại công tác quy hoạch, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị quyết số 19/NQ-TW. Trong năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tham mưu cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ để nhân rộng đào tạo chất lượng cao trên toàn quốc. Đối với lao động nông thôn, tuy nguồn lực có, nhu cầu có nhưng đầu tư cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ xây dựng định mức cho đào tạo. Các địa phương cần tập trung đầu tư để chuẩn hóa năng lực đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Về công tác tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, công tác thi kỹ năng nghề ASEAN đã lùi sang năm 2021, tuy nhiên để góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho lực lượng lao động, khuyến khích phong trào rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho thi Kỹ năng nghề ASEAN trong đầu năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia trong năm 2020 khi dịch COVID-19 được kiểm soát ổn định. Bên cạnh đó công tác đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp sẽ là nhu cầu lớn khi dịch COVID-19 kết thúc.
Nguồn: