Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo này. Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho rằng: Vấn đề quan trọng là cần nhận diện rõ, đúng việc bố trí Sở GD&ĐT để nó làm tốt sứ mệnh lịch sử “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, làm tròn nhiệm vụ quản lý Nhà nước cấp tỉnh của lĩnh vực GD-ĐT theo quy định của pháp luật.
Cần tinh gọn nhưng hiệu quả
- Theo ông, cần nhận thức đúng việc tinh giảm bộ máy với việc sắp xếp các sở, ngành của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như thế nào?
|
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ |
Nghị quyết 18 –NQ/TW (Khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã xác định nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh:
“Quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của Trung ương, cấp uỷ địa phương lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp.
Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các Sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, ngành”.
Bộ Nội vụ đã dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về “Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Dự thảo Nghị định đã có nhiều điểm mới quán triệt rõ quan điểm, nhiệm vụ đã xác định tại Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư.
Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP đã đề xuất Sở GD&ĐT không là Sở cứng mà nằm trong số Sở có thể hợp nhất với Sở khác.
Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề quan trọng là cần nhận diện rõ, đúng việc bố trí Sở GD&ĐT để nó làm tốt sứ mệnh lịch sử “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, làm tròn nhiệm vụ quản lý Nhà nước cấp tỉnh của lĩnh vực GD-ĐT theo quy định của pháp luật.
Các Sở, ngành nào ở địa phương cũng quan trọng, song với đặc thù ổn định, chuyên sâu, được trải nghiệm trong công tác quản lý giáo dục trong suốt quá trình phát triển, Sở GD&ĐT cùng với Sở Y tế cần được tính toán và bố trí hợp lý và nên để là các Sở cứng với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Việc sáp nhập, hợp nhất nếu không tính toán khoa học sẽ chỉ dừng lại ở mặt “cơ học” mà không đáp ứng được yêu cầu: Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mục tiêu chất lượng phải lên hàng đầu
- Ông có nghĩ chắc chắn sẽ nảy sinh những bất cập về quản lý nhân lực trong ngành Giáo dục khi không có Sở GD&ĐT riêng?
- “Trong quá trình phát triển, những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, bất cập của ngành Giáo dục đều có nguyên nhân đầu tiên là công tác quản lý giáo dục và sâu xa hơn là cơ chế quản lý ngành trong tổng thể thiết chế quản lý bộ máy quản lý các cấp của Nhà nước ta”.
Ông Nguyễn Minh Tường
Sở GD&ĐT không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước chung như các Sở, ngành khác mà nó còn thực hiện chức năng quản lý rất đặc thù.
Như đã trình bày ở trên, từ trước tới nay, GD-ĐT có vai trò hết sức quan trọng, được xác định là quốc sách hàng đầu. GD-ĐT là một ngành đặc thù, nòng cốt và là trụ cột trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Sở GD&ĐT đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong các Văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giáo dục, Nghị định số 115/2010/NĐ-CP.
Trong thực tiễn, nhất là hiện nay, GD&ĐT đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 – NQ/TW, như vậy vai trò của Sở GD&ĐT càng cần thiết và cần được duy trì ổn định với tính chuyên nghiệp và đặc thù rất cao.
Sở GD&ĐT không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước chung như các Sở, ngành khác mà nó còn thực hiện chức năng quản rất đặc thù như quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục; kiểm tra, đánh giá, thi cử; tuyển sinh, hàng ngày tác động trực tiếp đến tất cả các gia đình và toàn xã hội.
Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của GD-ĐT, cũng như chức năng nhiệm vụ của Sở GD&ĐT, công tác quản lý Nhà nước về giáo dục phải được quy định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và thông suốt từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, phát huy được năng lực sở trường của đội ngũ công chức.
Như vậy, cần có một Sở độc lập, ổn định để tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục như hiện nay là cần thiết và phù hợp.
Nếu ở địa phương không có một cơ quan độc lập, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục hoặc được lồng ghép chức năng này trong chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan khác sẽ không thể hiện được sự chuyên nghiệp, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của một cơ quan chuyên trách, chất lượng, hiệu quả hoạt động sẽ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, trong quy định tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP đã quy định đầy đủ, đồng bộ về hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT.
Khi quy định Sở GD&ĐT (cũng như Phòng GD&ĐT ở cấp huyện) là một cơ quan chuyên môn độc lập, chuyên trách về lĩnh vực GD&ĐT sẽ phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo được chất lượng, hiệu quả trong tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục, đồng thời thể hiện rõ được quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu cũng như quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển.
- Xin cảm ơn ông!