PGS Hoàng Minh Sơn phân tích: Một trong những sửa đổi rất quan trọng trong liên quan đến làm rõ những nội hàm, những nội dung liên quan đến tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường ĐH.
Ta vẫn nói đến việc tự chủ ĐH nhưng chưa nói rõ nội hàm của nó: Tự chủ đến đâu? Tự chủ như thế nào? Mức độ tự chủ ra sao? Ai là người quyết định việc này? ... Rồi cơ chế quản trị của trường ĐH, giữa hội đồng trường với ban giám hiệu, quan hệ cụ thể thế nào, phân định rõ trách nhiệm ra sao?
“Tôi cho rằng với việc làm rõ những vấn đề trên trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, các trường sẽ có một cơ sở pháp luật rất tốt để thực hiện việc tự chủ” – PGS Hoàng Minh Sơn nhận định.
Điểm sửa đổi quan trọng thứ hai, theo PGS Hoàng Minh Sơn là về hệ thống văn bằng. Dự thảo đưa hệ thống về học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ rất rõ so với trước kia chỉ nói là tốt nghiệp ĐH.
Đặc biệt với những ngành, những chương trình đào tạo mang tính chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ sẽ có một hệ thống văn bằng, chứng chỉ chuyên nghiệp để phân biệt rõ những định hướng sau khi học xong. Việc làm rõ như vậy phù hợp với xu thế của thế giới và thông lệ của quốc tế.
Điểm thứ ba, PGS Hoàng Minh Sơn nhận định dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi làm khá rõ về hệ thống giáo dục ĐH: Thế nào là một ĐH, phân biệt giữa trường ĐH và học viện. Trên cơ sở đó chúng ta vừa chấp nhận thực tế tồn tại, vừa có giải pháp để định hướng phát triển phù hợp với hội nhập thế giới.
“Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục ĐH cũng đề cao tới việc đảm bảo chất lượng và trách nhiệm của các trường ĐH trong việc đảm bảo chất lượng. Tôi cho rằng đây là điểm rất quan trọng liên quan tới việc phát triển giáo dục ĐH trong thời gian tới” PGS Hoàng Minh Sơn.