2 năm sau khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận lời Ban thường vụ Hội Khuyến học TPHCM về làm Chủ tịch danh dự của Hội. Mãi đến năm 2015, sau 2 nhiệm kỳ làm việc ở đây, cố Thủ tướng Phan Văn Khải mới viết thư cho ban thường vụ xin ngừng vì lý do sức khỏe.
Sau khi cố Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu, nhiều nơi mời làm nhưng ông không nhận. Nhưng nghe mời làm khuyến học, ông liền nhận lời vì muốn đóng góp cho xã hội, xây dựng quê hương, phát triển giống nòi thông qua phát triển giáo dục.
Bà Lê Minh Ngọc giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học TPHCM từ thời điểm đó đến nay nên có nhiều thời gian cùng làm việc, trao đổi cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải về những trăn trở, kế hoạch phát triển phong trào khuyến học tại thành phố. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng bà Minh Ngọc về những hoạt động của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời gian này.
Bà Lê Minh Ngọc có một thời gian dài cùng làm việc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải để phát triển phong trào khuyến học ở TPHCM.
Thưa bà, được biết sau khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải sống điền viên, vui vầy cùng con cháu mà ít tham dự các sự kiện hay làm công việc khác. Cho nên khi cố Thủ tướng nhận lời của Hội Khuyến học TPHCM làm Chủ tịch danh dự là điều khá ngạc nhiên?
Có làm việc với ông mới biết tấm lòng của ông dành cho sự nghiệp khuyến học và chăm lo phát triển giáo dục lớn đến mức nào. Trước khi ông nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học TPHCM thì ông đã làm Chủ tịch khuyến học xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TPHCM). Nhờ có ông hỗ trợ mà công tác khuyến học, giáo dục ở xã Tân Thông Hội phát triển rất mạnh.
Tôi ấn tượng nhất là khi ông giữ vị trí này và làm việc rất nghiêm túc, hàng năm vẫn viết báo cáo, ký tên gửi về Thành hội đàng hoàng, trách nhiệm. Dù vừa rời cương vị đứng đầu Chính phủ không lâu nhưng ông không nề hà vị trí gì, miễn là giúp được cho công tác khuyến học ở quê hương, nơi mình sinh ra. Đó là tinh thần làm việc nghiêm túc và tôn trọng tập thể dù ở bất cứ cương vị nào mà tôi nghĩ ai cũng cần học tập ông.
Khi được Ban thường vụ Hội Khuyến học TPHCM mời làm Chủ tịch danh dự của Hội, ông nói rất chân tình đại khái là: “Mình nghỉ rồi nên cũng không tính làm gì nữa. Nhưng mà làm cho khuyến học thì phải làm, làm để đóng góp cho xã hội chớ!”. Sự chân tình của ông khiến ai cũng xúc động!
Nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học TPHCM, hầu như hội nghị nào của hội ông cũng đều tham dự
Bà có thể chia sẻ đôi điều về những công việc của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trên cương vị Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học TPHCM hay không?
Sức khỏe của ông cũng không được tốt nhưng bất kỳ hội nghị thường niên nào của Hội ông cũng đều tham gia, phát biểu góp ý để xây dựng chương trình, định hướng hoạt động của hội. Ông đặc biệt quan tâm đến mô hình Học bổng khuyến tài 1&1 mà Hội Khuyến học TPHCM xây dựng và phát triển. Vì theo ông, đó là chương trình đánh động được đến trái tim con người, kết nối từ trái tim đến trái tim, mang ý nghĩa bền vững, xây dựng cộng đồng thấm đượm ân tình.
Tính đến hết năm 2017, sau 17 năm thực hiện, học bổng 1&1 đã trao tặng cho 2.414 sinh viên với sự tài trợ của 552 người và 40 tập đoàn, công ty, đơn vị với tổng số tiền trao học bổng cho các em trong suốt thời gian học đại học là 20.994.600.000 đồng.
Trong những lần trao đổi cùng ông về chương trình này, ông đều đánh giá hay, nhất là hình thức 1 ân nhân tài trợ cho 1 em sinh viên nghèo đã tạo sự gắn kết, hình thành mối liên hệ tình cảm chứ không chỉ đơn thuần là cho và nhận. Rồi sau đó các cháu đã từng được nhận học bổng trưởng thành, thành đạt rồi quay lại hỗ trợ cho các em nhỏ khác. Sự lan tỏa đó dần tạo thành 1 tập thể với những con người sống tình cảm, ân tình.
Chính bản thân ông cũng nhận tài trợ cho nhiều em học sinh, sinh viên nghèo để giúp các cháu học tập, thành tài. Những ngày lễ tết, các cháu vẫn đến thăm hỏi, chúc sức khỏe ông như con cháu trong nhà.
Dịp lễ tết, những học sinh nghèo từng được cố Thủ tướng Phan Văn Khải tài trợ đều đến thăm hỏi sức khỏe của ông như người trong nhà.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tặng bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc cho sự nghiệp khuyến học TPHCM năm 2009.
Khi đến dự các hội nghị khuyến học, ông không phát biểu chung chung mà đều kể cho các cháu được nhận học bổng nghe về những tấm gương vượt khó học giỏi mà ông biết, ông hỗ trợ để rồi thành tài, đóng góp cho quê hương.
Tôi còn nhớ ông hay kể về “thằng Cải nghèo nhất Củ Chi” nhưng vượt khó, đến nay đã là giáo viên giỏi, phó hiệu trưởng 1 trường THPT lớn ở Củ Chi (thầy Nguyễn Văn Cải - Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung). Những lời chia sẻ chân tình, gần gũi của người từng là Thủ tướng Chính phủ về những tấm gương như thế tạo động lực rất lớn cho các cháu nhỏ nghèo khó.
Ngoài ra, ông cũng trực tiếp bỏ tài lực của bản thân, kêu gọi người quen biết ủng hộ phong trào khuyến học, phát triển giáo dục địa phương. Giáo dục - khuyến học ở xã Tân Thông Hội nói riêng và huyện Củ Chi nói chung có thể trở thành điển hình, cơ sở vật chất tốt, chất lượng giáo viên cao, nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó… có thể nói là nhờ một phần công lao kêu gọi và sự hỗ trợ rất lớn từ ông. Khi phu nhân mất, ông cũng quyên góp toàn bộ tiền phúng viếng cho quỹ Khuyến học xã Tân Thông Hội và huyện Củ Chi để chăm lo cho các cháu nhỏ nhà nghèo.
Trong ngày Đại hội Khuyến học năm 2008, lần đầu tiên cố Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự với tư cách Chủ tịch danh dự của hội
Ông trao vòng nguyệt quế chúc mừng các cháu sinh viên nhận học bổng 1&1 tốt nghiệp xuất sắc
Là người nhiều năm cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải làm công tác khuyến học, bà có cảm nhận như thế nào về mảng công tác này của cố Thủ tướng?
Năm 2015, Hội Khuyến học TPHCM diễn ra đại hội nhiệm kỳ mới. Lúc đó ông gửi thư cho ban thường vụ đề nghị ngưng làm Chủ tịch danh dự của Hội vì lúc này sức khỏe của ông đã kém nhiều, ông lo mình không đủ sức đảm nhiệm công tác.
Đây cũng là điều đáng quý ở ông. Khi nhận công tác gì ông cũng làm hết mình, hết sức chứ không hình thức nên khi cảm thấy không đủ sức khỏe để làm việc thì ông nghỉ, giao nhiệm vụ cho người khác. Chứ thật ra, công tác khuyến học là tất cả những gì ông quan tâm kể từ ngày về hưu.
Bài phát biểu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong ngày đại hội Khuyến học đầu tiên ông tham dự với tư cách Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học TPHCM
Mà ngay từ khi còn giữ cương vị đứng đầu Chính phủ, ông cũng đã hết sức quan tâm đến công tác khuyến học, phát triển giáo dục nước nhà. Trong thời gian ông làm Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành quyết định thông qua đề án Xây dựng xã hội học tập. Vào năm 2016, trước khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ vài tháng, ông cũng đã làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và quyết liệt chỉ đạo các ban ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học thực hiện đề án trên, bố trí nơi làm việc cho hội, xây dựng chính sách phụ cấp cho cán bộ chuyên trách các cấp hội và hỗ trợ kinh phí hoạt động của hội…
Có thể nói, hiếm có vị Thủ tướng nào lại quan tâm, hết lòng vì sự nghiệp khuyến học, phát triển giáo dục nước nhà như ông. Ông ra đi là sự mất mát quá lớn đối với sự nghiệp khuyến học nói chung và tập thể Hội Khuyến học TPHCM nói riêng!
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Tùng Nguyên (dantri.com.vn)