Sửa đổi chính sách tự chủ đại học
Báo cáo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày cho biết: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, quy định theo hướng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH; theo đó, sửa đổi, bổ sung các điều, khoản liên quan tới tự chủ đại học ở các điều 12, 16, 32, 33, 45, 64-67,….
Chính sách tự chủ đại học được sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về tổ chức cơ sở GDĐH, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH nhằm đổi mới quản lý nhà nước nhằm giúp cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chịu trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện sứ mệnh, mục tiêu và nhiệm vụ của nhà trường, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.
Theo dự thảo Luật, các cơ sở GDĐH được mở ngành (Điều 33) khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, các đại học được tự chủ mở ngành đến trình độ tiến sĩ; trừ các ngành thuộc nhóm ngành sức khoẻ, khoa học GDĐT giáo viên, an ninh quốc phòng phải được Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định cho phép mở ngành.
Về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh (Điều 34) sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác; cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH; đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội; trừ các cơ sở GDĐH thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đào tạo theo chỉ tiêu được giao (theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW) và các ngành đào tạo giáo viên được giao chỉ tiêu theo nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương.
Quy định về Hội đồng trường được sửa đổi, bổ sung theo hướng Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan, có thực quyền trong việc quyết định về phương hướng, kế hoạch phát triển, tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính... của trường.
Các quy định khác về Hội đồng trường cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thực tiễn hiện nay và định hướng cho những năm tới.
Bổ sung cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH có thể có doanh nghiệp; và cơ sở GDĐH có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.
Quy định về Hiệu trưởng được sửa đổi, bổ sung theo hướng Hiệu trưởng “là người đại diện theo pháp luật” của cơ sở GDĐH cho phù hợp với Bộ luật dân sự. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường. Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định.
Quy định về trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ; trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Việc sử dụng trợ giảng, người hướng dẫn thực hành trình độ đại học phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH; và các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định.
|
Đi đôi với mở rộng tự chủ là vấn đề làm rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở GDĐH. Ảnh minh họa/internet |
Đẩy mạnh tự chủ là cần thiết
Tại phiên họp, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Báo cáo nêu rõ: Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở GDĐH gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng; quy định quyền tự chủ phải phù hợp với năng lực tự chủ của cơ sở GDĐH; bổ sung các nội dung cơ bản của trách nhiệm giải trình; bổ sung quyền tự chủ của cơ sở GDĐH trong các lĩnh vực hoạt động; bổ sung chức năng quản trị của Hội đồng trường với thẩm quyền quyết định sứ mạng, chiến lược, nhân sự cấp cao, tài chính và tài sản cũng như trách nhiệm giải trình về hoạt động của nhà trường; quy định cụ thể về số lượng, tỉ lệ, cơ cấu thành viên Hội đồng trường và tiêu chuẩn, quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường; phân biệt rõ Hội đồng trường ở các trường đặc thù về an ninh, quốc phòng.
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Thường trực Ủy ban đề nghị, đi đôi với mở rộng tự chủ là vấn đề làm rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở GDĐH, đặc biệt là vai trò, năng lực của Hội đồng trường.
Dự thảo cần quy định rõ điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ; đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, thông qua chế độ thông tin, báo cáo, kiểm toán tài chính, công khai kết quả hoạt động thường niên và chịu trách nhiệm trước pháp luật; cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học.
Thường trực Ủy ban cho rằng, những nội dung trên đây cần được xem xét bổ sung để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện khoản 3 Điều 32, theo đó “Chính phủ quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong từng lĩnh vực hoạt động phù hợp với năng lực tự chủ”.
"Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu; làm rõ hơn cơ chế kiểm tra, giám sát của Hội đồng đối với tài chính và tài sản; quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Hội đồng đại học trước khi giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, vị trí của tổ chức Đảng cũng như vai trò, trách nhiệm các đoàn thể trong việc giám sát vấn đề tự chủ nhà trường" - ông Phan Thanh Bình.