Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước.
Trong đó, có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Trong năm 2016 số người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư là 702 người. Như vậy, số lượng đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao hơn năm trước là 534 người.
Điều đặc biệt, năm nay, có GS trẻ nhất Việt Nam 36 tuổi ngành Toán học là Phạm Hoàng Hiệp. Hiệp sinh ngày 01/03/1982 tại Hải Dương thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính là: Lý thuyết đa thế vị, Giải tích và hình học phức.
Được biết, Phạm Hoàng Hiệp cũng là người trở thành Phó giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi.
Dưới đây là danh sách các ứng viên đã đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 xem
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về xét tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm nay.
Thưa GS, vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với năm trước?
Số lượng GS,PGS được phong năm nay tăng khoảng 60% so với năm trước. Lý do, năm nay ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm (năm nay 5/1), theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng được lùi lại nửa năm.
Tâm lý chung nữa là năm nay có sự thay đổi về quy chế phong GS,PGS nên các ứng viên mong muốn mình đi về "chuyến tàu chót mang số hiệu 174 - (Quyết định 174)".
Điều thú vị với các ứng viên trong đợt xét năm nay là vừa được hưởng lùi thời gian nộp hồ sơ, vừa hưởng nhuận tháng Tết nên chắc chắn được đón Tết tuyệt vời, vừa được báo công với tổ tiên.
Chất lượng các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay thế nào thưa giáo sư?
Năm nay, chất lượng giáo sư, phó giáo sư cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên.
Tuổi trẻ trung bình của ứng cử viên giảm xuống trẻ hơn. Ví dụ: Tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55 thì năm nay tuổi trung bình của các GS 53.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ tiếng Anh của các ứng viên năm nay tăng lên rõ rệt vì các ứng viên được cử đi học nước ngoài theo Đề án 911 và sự phối hợp hợp tác với nước ngoài. Do đó, việc đào tạo trao đổi bằng tiếng Anh và công bố quốc tế được thuận lợi hơn với các ứng viên.
Điểm mới của phong hàm năm nay là tỷ lệ GS,PGS đối với nữ tăng lên, trước đây số lượng nữ được phong GS,PGS chỉ 25% nay tăng lên 28 - 29%. Số lượng GS,PGS của Hà Nội và TP.HCM cũng tăng hơn năm trước.
Đặc biệt, năm nay có 1 phụ nữ Dân tộc Nùng được phong phó giáo sư thuộc Hội đồng Quân sự mà có thể là người đầu tiên của quân sự được phong PGS.
Tỷ lệ số lượng ứng viên đang giảng dạy được phong GS,PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi.
Năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được phong hàm Giáo sư là một tin vui với ngành Y tế. Ông có nhận định gì về thành tích của Bộ trưởng Tiến?
Năm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh như GS Ngô Bảo Châu từng được. Chị Tiến đều giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, chị Tiến có 13 - 14 công trình công bố quốc tế.
Một người giữ cương vị Bộ trưởng mà vẫn nghiên cứu và được thành tích như vậy rất đáng khen ngợi.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh(dantri.com.vn)