Người ta nói giáo viên bây giờ đi dạy gặp nhiều “rủi ro” quá. Chỉ cần sai sót một chút là bị phụ huynh thưa kiện ngay. Nhiều giáo viên cảm thấy bị áp lực nặng nề, nhất là những giáo viên trẻ. Tuy nhiên, nếu ta cứ nhìn theo hướng tích cực ta sẽ thầy nghề giáo có nhiều niềm vui mà khó nghề nào có được.
Hôm qua cháu tôi (cũng là một giáo viên cấp 1) về “than thở” với tôi vì mới bị phụ huynh góp ý trong cách xưng hô. Cháu nói mình đang bị áp lực từ phía phụ huynh mang lại. Cháu tâm sự nhiều lúc cảm thấy chán vô cùng, rằng lương thì thấp mà bị phụ huynh “soi” quá kĩ.
Câu chuyện bắt đầu khi cháu bị phụ huynh góp ý về cách xưng hô. Là một giáo viên trẻ mới ra trường cháu rất nhiệt tình trước học trò. Nhiều bé rất yêu quý thầy, chúng khen thầy đẹp trai và hài hước trong cách nói chuyện. Hôm rồi trong buổi học ngoại khóa vui vẻ quá, thầy lỡ miệng la học trò mình rằng “mấy đứa mày phá quá, tao chịu hết nổi”. Chuyện chỉ có vậy nhưng phụ huynh đã vào trường góp ý và đề nghị thầy chấn chỉnh ngay trong cách xưng hô.
Con trai tôi cũng hay kể mẹ nghe về cách xưng hô “kì kì” của một thầy giáo. Cháu rất quý thầy và thích nghe thầy giảng. Thầy vui vẻ và rất hay tổ chức trò chơi. Cả lớp ai cũng thích đến tiết của thầy. Tuy nhiên, cách gọi của thầy thì hơi kì. Thầy hay gọi học trò là “mấy đứa”. Có lúc thầy xưng tôi với cả lớp. Mỗi lần thầy nói vậy cả lớp lại bụm miệng cười. Nhiều bạn thấy thầy vậy cũng cà trớn lại.
Sau khi nghe cháu tôi trút hết bầu tâm sự thì tôi mới nhắc nhở cháu rằng đã bước vào nghề Sư phạm thì luôn phải mẫu mực, mô phạm. Nhất là cháu đang dạy dỗ những đứa trẻ lớp 3. Việc phụ huynh góp ý cháu trong cách xưng hô là hoàn toàn đúng. Khi mình xưng thầy/cô, tức là mình đã xác định được vị thế của bản thân trước các em học sinh. Vì vậy, thầy cô luôn phải gương mẫu, chuẩn mực trong giao tiếp. Thầy xưng hô vậy bảo sao học sinh không sốc. Từ trước đến nay, các em chưa nghe thầy cô xưng vậy bao giờ. Ở bậc Mầm non, các em được các cô gọi con rất ngọt ngào. Tới Tiểu học, thầy cô vẫn giữ cách xưng hô đó hoặc gọi là “em” đối với tất cả học trò.
Thế mới thấy nghề giáo luôn bị soi kĩ là vậy. Mỗi thầy cô luôn phải là tấm gương sáng để học trò noi theo. Ở lứa tuổi học sinh, các em rất hay bắt chước người lớn. Muốn các em ngoan, xưng hô lễ phép thì trước tiên giáo viên phải làm gương. Chúng ta không thể dạy học trò theo kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”. Muốn học trò chăm ngoan trước tiên mình phải tiên phong. Nếu thầy cô sai cũng phải nhận lỗi trước các em.
Mỗi nghề đều có niềm vui, nỗi buồn khác nhau. Khi ta đã chọn nghề này tức là chúng ta đã phải chấp nhận cả những mặt trái của nó. Nhưng nghề giáo có những niềm vui mà không nghề nào có được. Nhiều trò ra trường đã lâu vẫn nhớ đến thầy cô giáo dạy mình năm xưa. Thình thoảng đi ngoài đường lại gặp những gương mặt lạ hoắc chào cô rất lễ phép. Niềm vui ấy không phải ai cũng có được.
Mỗi thầy cô hãy vui lên vì đã chọn ngành Sư phạm làm bến đỗ cuộc đời. Hãy luôn hoàn thiện bản thân để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Loát Trần (bạn đọc viết)