Các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) cho rằng quy mô tuyển sinh năm 2018 sẽ không có nhiều biến động , tuy nhiên kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có thêm nhiều ngành mới. Về phương án tuyển sinh, do chưa có quy chế, tuy nhiên các trường vẫn thiên về ưu thế xét tuyển theo nhóm trường như năm 2017 đã thực hiện do cơ chế lọc “ảo” khá tốt.
Sẽ có thêm nhiều ngành mới
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, phương án tuyển sinh năm 2018 của trường có một số nét mới. Cụ thể, có sự thay tổ môn xét tuyển các ngành công tác xã hội, Đông Nam Á học và xã hội học. Ngoài ra, trường còn bổ sung ngành mới công nghệ thông tin và hai chuyên ngành xây dựng chất lượng cao. Cùng đó, trường mở rộng diện tuyển thẳng đối với học sinh (HS) các trường THPT cả nước có học lực ba năm đạt HS giỏi.
Theo PGS-TS Hà, đáng chú ý của kỳ tuyển sinh năm tới là nguồn học bổng của trường tăng lên rất dồi dào, trong đó có học bổng toàn phần cho bốn năm học và học bổng thực tập ở nước ngoài. “Từ cơ chế tự chủ, nguồn học bổng của trường tăng lên rất nhiều, đây là cơ hội tốt cho thí sinh xét tuyển vào trường năm học tới” - ông Hà chia sẻ.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay trường đang triển khai phương án tuyển sinh năm 2018 nhưng không có nhiều biến động so với năm 2017. Theo đó, quy mô tuyển sinh vẫn giữ tổng chỉ tiêu 3.500 cho 22 ngành. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tăng lên 50 chỉ tiêu. Ngoài ra, trường mở thêm ngành mới là công nghệ thông tin vì nhu cầu xã hội về ngành này hiện khá cao.
Mùa tuyển sinh năm 2018, quy mô tuyển sinh sẽ không nhiều biến động, dự kiến một số ngành sẽ có tên gọi mới. (Ảnh: P. Điền)
Theo ông Sơn, điểm mới trong xét tuyển năm tới dự kiến các tổ hợp xét tuyển đều có môn tiếng Anh. “Hiện tại các chương trình đào tạo của trường đều có môn tiếng Anh, việc đưa môn tiếng Anh vào các tổ hợp xét tuyển nhằm khuyến khích các em HS THPT có thêm động lực học tiếng Anh và định hướng học tập để xét tuyển vào trường năm học tới” - ông Sơn phân tích.
Tương tự, TS Trần Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết quy mô tuyển sinh của trường vẫn khoảng 5.500 chỉ tiêu cho 43 ngành đào tạo. Trường vẫn duy trì phương án tuyển sinh theo các hình thức xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng đối với HS cả nước. Đáng chú ý, ngành mới của trường là thú y và an toàn thông tin thu hút sinh viên theo học khá cao. Ngoài ra, trường vẫn duy trì hai chương trình học bổng khuyến học đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên học giỏi.
Vẫn duy trì bài kiểm tra năng lực
Dự kiến kỳ tuyển sinh năm tới trường sẽ có một số điều chỉnh phương án để tạo sự thuận lợi, công bằng hơn cho thí sinh. Trong đó, trường vẫn duy trì bài kiểm tra năng lực như đã thực hiện trong các kỳ tuyển sinh vừa rồi.
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM
Có phương án tuyển sinh từng ngành
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin phương án tuyển sinh năm nay của trường cơ bản giữ nguyên như năm 2017. Tuy nhiên, có một số thay đổi mã vùng và mã ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ CĐ, ĐH của Bộ GD&ĐT nên sẽ có sự điều chỉnh tên một số ngành truyền thống để có tên riêng. Trong đó, thay vì mã ngành có tám chữ số thì mã ngành theo danh mục đào tạo ĐH vừa mới ban hành là chuỗi số liên tục gồm bảy chữ số. Dự kiến trường sẽ xét tuyển theo phương án xét tuyển theo nhóm xét tuyển các trường phía Nam như năm 2017.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đã xây dựng phương án tuyển sinh và đang lấy ý kiến từ các khoa để áp dụng cho năm tới. Theo đó, thay vì tuyển sinh chung cho các ngành, sau đó mới phân ngành thì dự kiến năm tới trường sẽ xây dựng chỉ tiêu cho từng ngành để có phương án tuyển sinh riêng. Ngoài ra, năm học 2018, trường sẽ mở thêm ba ngành mới, trong đó có ngành quản lý công, những ngành này còn mới nên trường sẽ đẩy mạnh truyền thông rộng rãi. Tuy nhiên, trường cũng đánh giá những ngành mới sẽ có ít người theo học nhưng nhu cầu xã hội lại cần.
Khối nghề chuyển tuyển sinh sang tuyển dụng
Thay vì tuyển sinh, bậc giáo dục nghề nghiệp sẽ có tên gọi tuyển dụng trong năm học tới. Theo đó, các trường CĐ, trung cấp sẽ xét tuyển hoàn toàn độc lập mà không đợi ĐH xét tuyển xong các trường nghề mới nhảy vào.
Xu hướng tuyển dụng theo phương án trường nào có uy tín, học ra trường có việc làm ngay thì khuyến khích phát triển tối đa. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển dụng giáo dục nghề nghiệp toàn quốc trên nền tảng điện thoại di động, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin học nghề gì, ra trường làm ở đâu, ngành đó nhận lương bao nhiêu để thí sinh cả nước thuận tiện lựa chọn học nghề.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân
Theo Phong Điền (dantri.com.vn)